[Năng Lượng Sạch Việt Nam] GIẢI PHÁP MỚI XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ Ô NHIỄM BIỂN MIỀN TRUNG, HỒ HOÀN KIẾM, SÔNG TÔ LỊCH
Giải pháp mới xử lý triệt để ô nhiễm biển miền Trung, hồ Hoàn Kiếm, sông Tô lịch - Là tiêu đề bài viết về công nghệ thiên nhiên Bakture do JVE và Nhật Bản tài trợ lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam để xử lý nước hồ Hạnh Phúc (Q.Kiến An, Tp.Hải Phòng) - được đăng trên báo Năng Lượng Sạch Việt Nam - Cơ quan ngôn luận của hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam.
Link: http://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Giai-phap-moi-xu-ly-triet-de-o-nhiem-bien-mien-Trung-ho-Hoan-Kiem-song-To-lich-6-15-1856
(TN&MT) - Các kết quả rất tích cực sau khi thực hiện Dự án thử nghiệm làm sạch nước hồ Hạnh Phúc (quận Kiến An, TP. Hải Phòng) bằng công nghệ thiên nhiên Bakture của Nhật Bản cho thấy, công nghệ này đã xử lý thành công nhiều nguồn nước ô nhiễm bằng công nghệ, quy trình hoàn toàn tự nhiên.
Lần đầu áp dụng ở Việt Nam
Vừa qua, tại Hải Phòng, buổi họp báo công bố kết quả xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ Hạnh Phúc bằng công nghệ thiên nhiên Bakture của Nhật Bản đã khiến nhiều người bất ngờ và tò mò. Theo đó, sau 2 tháng thử nghiệm áp dụng công nghệ này, các thông số môi trường đã được cải thiện rõ rệt.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn về công nghệ độc đáo này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, người có 15 năm sống và làm việc tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị đưa công nghệ này về Việt Nam và tài trợ miễn phí cho Dự án làm sạch hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng).
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt
(JVE)PV: Xin ông cho biết đôi nét về công nghệ thiên nhiên Bakture của Nhật Bản được thí nghiệm xử lý nước hồ Hạnh Phúc ở Hải Phòng vừa qua?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Bakture là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Back to the nature" có nghĩa là “Trở về với tự nhiên”. Bột Bakture được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp, với công nghệ riêng biệt, giúp thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường nước thông qua việc phát huy tối đa năng lực phân giải các chất bẩn, độc hại … của các vi sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường. Công nghệ chỉ đóng vai trò là chất xúc tác giúp kích thích sự phát triển của vi sinh vật hiếu khí và hiếm khí hoạt động và phân giải các chất độc hại trong nước. Vì thế, nó không kén môi trường mà có thể áp dụng ở nhiều môi trường ô nhiễm khác nhau như: sông ngòi, ao đầm, nước thải công nghiệp, xử lý nước thải ...
Sản phẩm này đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản và được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) chứng nhận về công dụng làm sạch môi trường. Sản phẩm đã xử lý thành công tại 300 điểm ô nhiễm trên nước Nhật Bản, bao gồm khu vực nước thải công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, nước hồ, ao ô nhiễm do tù đọng và được giới thiệu, ứng dụng thử nghiệm tại một số nước châu Á như: Ấn Độ, Lào, Inđônêxia, Thái Lan.
PV: Kết quả bước đầu áp dụng công nghệ này vào xử lý nước hồ Hạnh Phúc như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Sau hai tháng thử nghiệm, kết quả phân tích của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (IMER) (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – Đơn vị được giao phụ trách lấy mẫu và phân tích chỉ số cho thấy, các thông số môi trường (như COD, BOD5, Amoniac... ) hầu như đạt yêu cầu theo cột B2 và đang tiến tới cột B1 của Quy chuẩn Việt Nam. Mức độ ô nhiễm của hồ giảm đi rõ rệt. Độ trong suốt đạt đến 60 – 67 cm. Nước hầu như không bốc mùi hôi và khó chịu. Thông số TSS đã gần đạt đến cột A2 (nước dành cho sinh hoạt). Nitơ tổng và phosphat đã gần đạt yêu cầu cho nước sinh hoạt.
Sẽ xin thử nghiệm xử lý một phần nước Hồ Gươm
PV: Những kết quả xử lý bằng công nghệ này có “tuổi thọ” trong bao lâu? Liệu có xảy ra tình trạng tái ô nhiễm không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Nguyên lý hoạt động của công nghệ thiên nhiên Bakture đặc biệt nhất ở chỗ, nó chỉ là chất xúc tác tăng cường khả năng tự làm sạch của môi trưởng đã xử lý. Bột Bakture được làm từ công nghệ thiên nhiên, không có thành phần hóa học nên nó tồn tại vĩnh viễn trong môi trường đã xử lý. Nó được ví như các đội quân nằm vùng tại chiến trường, khi vi sinh vật có hại, gây ô nhiễm xuất hiện, nó lập tức kích hoạt các vi sinh vật có lợi để tiêu diệt chúng. Vì thế nó có giá trị rất lâu dài.
Đặc biệt, Bakture khác với công nghệ xử lý bằng vi sinh vật, hay các chế phẩm hóa học khác đang áp dụng tại Việt Nam. Bản thân Bakture không chứa vi sinh vật nên không có khả năng gây hại cho hệ sinh thái môi trường; không tạo ra thêm bất kỳ các loại vi sinh vật hoặc các vấn đề môi trường nào khác; nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, không có yếu tố hóa học nên an toàn cho tự nhiên và con người; Không có độc tính nên rất đảm bảo. Nhất là xử lý ô nhiễm nước hồ bằng công nghệ thiên nhiên Bakture không làm ảnh hưởng hệ sinh thái như vi tảo, thảm thực vật, các loài thủy sản trong nước của hồ Hoàn Kiếm nên có thể giữ được màu xanh đặc trưng hàng ngàn năm của hồ Hoàn Kiếm.
PV: Vậy công nghệ này có gì đặc biệt so với những công nghệ xử lý ô nhiễm nguồn nước khác?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Công nghệ thiên nhiên Bakture là công nghệ kích thích quá trình tự làm sạch tự nhiên của môi trường trong khi các công nghệ khác chủ yếu vẫn dùng phương pháp kết tủa, hấp phụ và làm lắng đọng các chất gây ô nhiễm. Tuy vậy, khi chất bẩn và chất có hại chỉ được xử lý dưới dạng kết tủa, lắng đọng, hấp phụ nên chúng vẫn còn lưu lại và nếu không xử lý được, chúng lại là một trong những nguyên nhân gây phát sinh chất có hại và chất bẩn khác sau này. Bakture là phương pháp xử lý phân giải biến chất có hại và chất bẩn thành chất không có hại.
PV: Chi phí để áp dụng công nghệ thiên nhiên Bakture này có cao không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Nếu so sánh công nghệ thiên nhiên Bakture với mô hình xử lý nước thải thông thường, nó không cần tốn chi phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hệ thống ống dẫn nước thải từ nơi xử lý tới nhà máy, không tốn chi phí bảo trì... Hơn nữa, do có nguồn gốc thiên nhiên nên nó không có khả năng gây hại cho hệ sinh thái môi trường; không tạo ra thêm bất kỳ các loại vi sinh vật hoặc các vấn đề môi trường nào khác; không có độc tính... Vì thế, xét về tổng thể, Bakture rẻ hơn nhiều so với các công nghệ khác đang áp dụng hiện nay. Tất nhiên chi phí cụ thể còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể nên tôi không thể nói chính xác.
PV: Công nghệ này có thể ứng dụng xử lý các vấn đề môi trường nào ở Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Anh: Công nghệ thiên nhiên Bakture xử lý hiệu quả đối với nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước ao đầm, sông ngòi bị ô nhiễm, xử lý mùi ở cơ sở chăn nuôi. Đặc biệt, không chỉ xử lý nước và mùi, Bakture còn ứng dựng xử lý hiệu quả tại khu vực đất bị nhiễm chất độc màu da cam dioxin, cải thiện môi trường dinh dưỡng trong đất… Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất áp dụng phương pháp này để xử lý thử nghiệm một phần nước hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và một phần vùng biển ô nhiễm ở 4 tỉnh miền Trung trong sự cố Formosa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Văn - Cường Nguyễn (thực hiện)