[BÁO HANOI.QDND.VN] Công bố kết quả làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor
QDND Online – Sau thời gian thử nghiệm, các chuyên gia của Nhật Bản vừa công bố kết quả bằng công nghệ làm sạch Nano-Bioreactor ở sông Tô Lịch - TP Hà Nội.
Link bài viết: https://hanoi.qdnd.vn/tin-tuc/cong-bo-ket-qua-lam-sach-song-to-lich-bang-cong-nghe-nano-bioreactor-476681
Một khu vực với diện tích khoảng 70m2 trên sông Tô Lịch (đoạn trên đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Đình Hoàn) được Công ty cải thiện môi trường Nhật - Việt (JVE), đơn vị chịu trách nhiệm triển khai công nghệ Nano-Bioreactor, quây kín lại bằng nhiều miếng tôn kín, lớp bùn đo được trước khi xử lý có độ dày là 75cm.
Khu vực này được tạo ra nhằm chứng minh việc công nghệ có thể phân hủy bùn thành CO2 và H2O, đưa ra giải pháp mới trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm sông, hồ, thay cho phương pháp nạo vét cơ học, giúp tiết kiệm nhiều kinh phí cho nhà nước. Ngoài việc xử lý bùn rất nhanh thì công nghệ này cũng có thể đưa chất nước về đạt tiêu chuẩn quốc gia, giúp các loài sinh vật có thể phát triển trở lại.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, sau thời gian thử nghiệm, mặt sông Tô Lịch đã có những chuyến biến rõ rệt cả về cảm quan và kết quả phân tích. Các chuyên gia phân tích cho biết, phía ngoài khu vực quây tôn, tại điểm B1 (cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m) độ dày bùn hạ xuống còn 13cm và điểm C1 (cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m) lớp bùn chỉ còn 19cm. Trong khu vực quây tôn này, sau 18 ngày trình diễn, kết quả thủ được cho thấy: tại vị trí TL-VT4 (Cách mép tôn từ phía cầu Hoàng Quốc Việt 30m) độ dày bùn giảm còn 35cm, giảm 40cm sau 2 tuần xử lý; tại TL-VT3 (Cách mép tôn từ phía cầu Hoàng Quốc Việt 25m) dộ dày bùn chỉ còn 20cm, giảm 55cm sau 18 ngày xử lý. Đáng chú ý nhất là hàm lượng Oxy hòa tan DO bên trong khu vực quây tôn đạt 6,67 mg/l, chạm mức A1 theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT, đồng thời là môi trường rất tốt, thuận lợi cho các loài thủy sinh cũng như cá sinh sống và phát triển.
Dưới đây là một số hình ảnh Phóng viên Báo QĐND Điện tử ghi nhận, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:
Các đơn vị đang lấy mẫu nước xét nghiệm.
Mẫu xét nghiệm được thu thập.
Toàn cảnh khu vực trình diễn xử lý bùn.
Khu vực xử lý bùn.
Chuyên gia đang đặt đá núi lửa xuống lòng sông.
4 tấm vật liệu có cấu tạo từ đá núi lửa được đặt xuống lòng sông.
Sau 18 ngày hoạt động, nước sông đã có thể nhìn thấy đáy.
TS.Kubo Jun, chuyên gia Nhật Bản đang đo hàm lượng oxy hòa tan trong nước (hàm lượng DO).
Lượng bùn đo được chỉ còn lại 35cm tại vị trí cách chân cầu 30m
Váng bùn đã bị phân hủy sau xử lý.