[BAOMOI.COM] KỲ VỌNG KỶ LỤC MỚI TỪ CÁ TRA
Mùa cá tra ở An Giang.
Giá cá tra lập kỷ lục
Báo cáo năm 2018 của Bộ NNPTNT cho thấy, năm 2018, ngành cá tra Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Thuế chống bán phá giá POR 13 cao kỷ lục; Chương trình thanh tra cá da trơn Mỹ bước vào giai đoạn quan trọng, quyết định kết quả công nhận tương đương; nhiều thị trường như EU, Arab Saudi tiếp tục giảm sút, hoặc dừng nhập khẩu do tác động từ các thông tin truyền thông bất lợi…
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực vượt bậc, kết hợp với việc tận dụng tối đa các cơ hội hiện có, ngành cá tra đã có nhiều thay đổi tích cực. Cụ thể, diện tích nuôi cá giống là 8.552ha, tăng 21,6% so năm 2017; diện tích nuôi thương phẩm đạt 5.400ha (tăng 3,25% so năm 2017). Trong đó diện tích nuôi được chứng nhận GAP và VietGAP đạt trên 5.600ha. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD (tăng 26,5% so năm 2017). Đặc biệt, giá cá tra đã lập kỷ lục so với nhiều năm gần đây khi đạt mức 35-36.000 đồng/kg.
Ông Như Văn Cẩn- Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT), đánh giá ngành hàng cá tra đã có sự vượt bậc trong năm 2018, giá cá tra giống, cá nguyên liệu, giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao; cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều có lãi. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 2,26 tỷ USD (tăng 26,5%).
Bà Võ Thị Ánh Xuân- Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho rằng, 2018 là năm có nhiều niềm vui đối với các tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn, với thắng lợi khá toàn diện từ sản xuất, đến chế biến, xuất khẩu, trong đó có đóng góp lớn của con cá tra. Riêng tại An Giang, năm qua ngành hàng cá tra đã có sự tăng trưởng mạnh cả về diện tích nuôi, sản lượng thu hoạch và kim ngạch xuất khẩu. Và trong những năm tới, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, địa phương và người nuôi, chắc chắc con cá tra sẽ tiếp tục phát triển, bơi xa vươn tầm thế giới.
Để ngành cá tra phát triển ổn định thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, các địa phương, doanh nghiệp (DN), người nuôi cần phải tuân thủ các quy định liên quan đến quản lý ngành cá tra, đặc biệt là công tác kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và chất lượng sản phẩm. Theo dõi sát diễn biến thời tiết khí hậu để kiểm soát dịch bệnh, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất gắn liền với tín hiệu thị trường. Chỉ tổ chức phát triển sản xuất khi có hợp đồng đầu ra nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu và hiệu quả kinh tế. Tiếp tục thu hút đầu tư từ các DN có tiềm lực trong công tác chọn tạo giống, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng, phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương tham gia đề án giống cá tra 3 cấp cần chủ động triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo Bộ và Tổng cục thủy sản các vấn đề phát sinh để phối hợp xử lý…
Ứng dụng công nghệ mới
Năm 2018, An Giang là đơn vị chủ trì thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao. Đề án này nhằm tổ chức lại sản xuất góp phần truy xuất nguồn gốc, cung cấp nguồn giống phục vụ cho việc nuôi cá tra thương phẩm quy mô lớn theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Thu hoạch cá tra.
Ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang, cho biết: Mặc dù An Giang được Chính phủ chọn là điểm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống cá tra 3 cấp, đến nay đã cung cấp được hơn 1 tỷ cá bột và 300 triệu con cá tra giống cho các DN thủy sản và các hộ nuôi cá tra trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng theo tính toán, thì đến năm 2020 các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp cũng chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ khâu con giống thì ngành hàng cá tra Việt Nam mới phát triển ổn định và bền vững.
Điểm nhấn của ngành cá tra ở An Giang chính là việc thực hiện dự án nuôi cá tra áp dụng công nghệ cao (sục khí nano và chất xúc tác bakture của Nhật Bản) tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú và phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên với quy mô 600ha; ước tính mỗi năm DN sẽ sản xuất khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao và 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Theo ông Doãn Tới- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt chủ dự án nuôi cá tra áp dụng công nghệ cao, qua dự án này, Nam Việt sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu; qua đó gia tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm phi lê của công ty tại các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần hạ thấp chi phí sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thu về lợi nhuận nhiều hơn.
Mới đây, sau chuyến khảo sát về dự án nuôi cá tra áp dụng công nghệ cao tại An Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Nếu công nghệ này được triển khai toàn diện, đồng bộ sẽ giải quyết vấn đề then chốt ở hiện tại và tương lai của ngành hàng cá tra, đó là con giống và môi trường nước, góp phần nâng cao giá trị con cá tra của Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành hàng cá tra đang là lợi thế của Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, do đó việc An Giang tạo điều kiện cho DN sản xuất, chế biến cá tra ứng dụng tiến bộ khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quy trình ươm tạo giống cá tra; đầu tư công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra…
Ngoài ra, để nâng cao giá trị cho ngành hàng cá tra, góp phần bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, các DN tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm mô hình nuôi lươn từ bùn thải ở đáy ao nuôi cá tra. Nếu ứng dụng thành công, mô hình này sẽ góp phần nâng cao lợi nhuận cho DN, mở ra một hướng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam trong tương lai…
Khảo sát tình hình nuôi cá tra tại tỉnh An Giang và đánh giá về tình hình cá tra trong năm qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với quy mô dân số gần 100 triệu dân và khoảng 20-25 triệu khách du lịch mỗi năm, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với ngành hàng cá tra. Vấn đề ở đây là tổ chức quảng bá thương hiệu, giá trị dinh dưỡng…, đưa sản phẩm đến tận bếp ăn, bàn ăn gia đình và các điểm du lịch…
Theo nhận định từ giới chuyên gia, thời gian qua chúng ta tập trung phát triển xuất khẩu cá tra đi các nước nhưng thị trường trong nước lại bị xem nhẹ, trong khi đây lại là nơi sản sinh ra con cá tra và quyết định đến số lượng và chất lượng của con cá da trơn này.