[HẬU GIANG ONLINE] DOANH NGHIỆP CÁ TRA ‘BỎ NGỎ’ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Link bài viết gốc: http://www.baohaugiang.com.vn/cong-thuong/doanh-nghiep-ca-tra-bo-ngo-thi-truong-viet-nam
Với quy mô dân số gần 100 triệu dân và khoảng 20-25 triệu khách du lịch mỗi năm, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với ngành hàng cá tra mà lâu nay các doanh nghiệp Việt còn bỏ ngỏ.
Trong chương trình hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu và phát triển ngành hàng cá tra năm 2019, chiều 17/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi khảo sát vùng nuôi cá tra công nghệ cao và thăm một số doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra hàng đầu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khảo sát tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I – thành viên của Tập đoàn Sao Mai. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Tại buổi làm việc, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt cho biết, doanh nghiệp đang triển khai dự án nuôi cá tra áp dụng công nghệ cao tại xã Bình Phú, huyện Châu phú (An Giang) với quy mô 600ha; ước tính mỗi năm doanh nghiệp sẽ sản xuất khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao và 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Với dự án này, Công ty cổ phần Nam Việt ứng dụng công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture là 2 phát minh của Nhật Bản để xử lý nước trong ao nuôi. Công nghệ này giúp toàn bộ diện tích của dự án sẽ không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường; không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh dự án, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; qua đó góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bền vững của doanh nghiệp.
Thông qua dự án này, Nam Việt sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu; qua đó gia tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm phi lê của công ty tại các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần hạ thấp chi phí sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thu về lợi nhuận nhiều hơn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chúc mừng Công ty cổ phần Nam Việt đã đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2018 và từng bước khẳng định vị thế là trong những doanh nghiệp hàng đầu của cả nước về lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cá tra; nhất là sự đón đầu công nghệ hiện đại vào nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu.
Đặc biệt, sau khi đi tham quan thực tế vùng nuôi cá tra ứng dụng công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture tại phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên (An Giang) của Công ty cổ phần Nam Việt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh và đánh giá cao tính tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cá tra giống và cá tra thương phẩm của công ty.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nếu công nghệ này được triển khai toàn diện, đồng bộ sẽ giải quyết vấn đề then chốt ở hiện tại và tương lai của ngành hàng cá tra là con giống và môi trường nước, góp phần nâng cao giá trị con cá tra của Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng đề nghị Công ty cổ phần Nam Việt nghiên cứu, sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, mở rộng diện tích áp dụng công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture, nhất là trong khâu ương tạo giống cá tra chất lượng cao. Các cơ quan ban ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với ngành hàng cá tra, Việt Nam là nước có lợi thế, Công ty cổ phần Nam Việt cũng như các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cần áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình ươm tạo giống cá tra; đầu tư công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đang dang hóa thị trường, tập trung mở rộng thị phần ở những thị trường tiềm năng; cùng với đó, cần chú trọng hơn đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm.
“Với quy mô dân số gần 100 triệu dân và khoảng 20-25 triệu khách du lịch mỗi năm, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với ngành hàng cá tra mà lâu nay các doanh nghiệp Việt còn bỏ ngỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra.
Để nâng cao giá trị cho ngành hàng cá tra, góp phần bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm mô hình nuôi lươn từ bùn thải ở đáy ao nuôi cá tra. Nếu ứng dụng thành công, mô hình này sẽ góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp, mở ra một hướng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam trong tương lai.