[BÁO GIAODUCTHOIDAI.VN] Biến sông Tô Lịch thành công viên là đề xuất nghiêm túc
GD&TĐ - Đề xuất biến sông Tô Lịch thành công viên không phải để vẽ ra để cho vui mà hiện nay dần khẳng định ý tưởng này sẽ trở thành hiện thực trong tương lai, Chủ tịch JVE Group cho biết.
Hình ảnh bản vẽ của dự án biến sông Tô Lịch thành công viên.
Liên quan đến câu chuyện trên, chia sẻ với báo chí, Chủ tịch JVE Group - cho biết việc công bố một đề xuất, một ý tưởng mới lạ, bên cạnh nhận được các ý kiến ủng hộ của các chuyên gia, người dân thì cũng có những ý kiến bày tỏ sự hoài nghi và có cách hiểu khác nhau là chuyện bình thường.
Nhưng JVE Group khẳng định, đây là đề xuất nghiêm túc, không phải chỉ vẽ ra cho vui.
"Khi bắt đầu dự án, chúng tôi cũng đã đã tham vấn các chuyên gia sử học của Việt Nam và tham khảo các tư liệu khác, khi đây là dự án liên quan đến lịch sử văn hóa tâm linh".
Được biết, sau khi có đề xuất của JVE Group, ngày 5/10/2020, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã có công văn số 1427/BC-VPTU báo cáo ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay là Chủ tịch Quốc hội) và ông Huệ giao "Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn của Thành phố nghiên cứu kỹ Đề án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE.
Công văn trên cũng giao cho UBND TP.Hà Nội cùng các sở, ngành trực thuộc phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ưu - nhược điểm, tính khả thi của Đề án, đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn; tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến người dân (nếu có); dự trù kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện Đề án để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến theo Quy chế làm việc.
Chủ tịch JVE Group cho biết: “Đề án vẫn tiếp tục hoàn thiện các ý tưởng thiết kế, tổ chức các cuộc họp trực tuyến với phía Nhật Bản. Đề án cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ bên phía Nhật Bản.”
Phối cảnh người dân, du khách thả chân xuống nước, ngồi ngắm cảnh, dạo mát tại khu vực mực nước nông khoảng 50 cm tại khu đầu nguồn.
Thời gian tới, sau khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ có báo cáo tới các cơ quan chức năng để xúc tiến các công việc tiếp theo nhằm mục tiêu cuối cùng là triển khai được Dự án để tạo nên Dấu ấn nghìn năm Thăng Long – Hà Nội và là một biểu tượng mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, nhân dân hai nước trong bối cảnh hai nước đang có những hoạt động chào mừng Dấu mốc kỷ niệm quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đã tròn 50 năm - một nửa thế kỷ (21/9/1973 – 21/9/2023).
Dự kiến, trước Tết Nguyên đán, sẽ có báo cáo các cơ quan liên quan về Đề xuất Quy hoạch chi tiết Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch cùng toàn bộ tài liệu, báo cáo liên quan đề xuất như nguồn vốn viện trợ ưu đãi, các nội hàm chi tiết về các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh đề xuất xây dựng tại từng triều đại suốt dọc sông Tô Lịch.