[TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI] "Hồi sinh" sông Tô Lịch thành công viên văn hóa, lịch sử, tâm linh liệu có khả thi?
Mới đây một hội thảo quốc gia về cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và cả người dân. Đề án nhằm biến con sông thành một không gian vô cùng đẹp với các công trình văn hóa trải dài. Đây là ý tưởng được đánh giá cao, song việc triển khai trong thực tiễn lại là điều các chuyên gia còn tranh luận.
Dự án xử lý nước thải Yên Xá với hy vọng có thể thu gom toàn bộ nước thải 2 bên của dòng sông Tô Lịch. Theo ghi nhận tại khu vực cầu Nguyễn Khánh Toàn, nhiều hạng mục công trình còn đang dang dở, trong khi năm 2024 dự án này sẽ phải về đích.
Bà NGUYỄN THỊ THỦY, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội:“Làm từ đây đến cầu Nguyễn Khánh Toàn rồi, người dân mong muốn làm được công trình này, thu gom được toàn bộ nước thải ra thì nước sông sạch sẽ, có thể đi du thuyền ở đây thì tốt.”
Ông TRẦN VĂN TIẾN, TP. Hà Nội: “Phải nạo vét hết, để sạch nước trong lòng sông, sau đó bổ cập nước từ hồ Tây vào thì dòng sông này mới sạch lại được.”
Song song với việc cứu sống dòng sông Tô Lịch, thành phố mong muốn khôi phục, xây dựng dấu ấn lịch sử trên dòng sông này.
Mới đây nhất, đơn vị xây dựng giải pháp cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hoá, tâm linh kết hợp với hệ thống hầm ngầm chống ngập và cao tốc ngầm cũng vừa đưa ra các điều chỉnh tổng thể, hoàn thiện về thiết kế dự án. Theo đề xuất, dự án có tổng chiều dài 12,6km, điểm nhấn phía trên lòng sông là các công trình văn hóa lịch sử.
Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE: “Sẽ có rất nhiều công trình kiến trúc mang đến giá trị văn hoá, lịch sử cho người dân cũng như khách du lịch. Đây gần như là một cụm di tích ngoài trời, phát huy giá trị nghìn năm văn hiến Thăng Long.”
Qua báo cáo cũng như mô hình 3D dự án, có thể thấy đây là một công trình rất lớn. Cần xem xét kĩ, làm rõ nguồn vốn thực hiện dự án này là vốn tài trợ không hoàn lại, hay vốn vay của nước ngoài.
Họa Sỹ TRỊNH YÊN, Giám đốc Trung tâm UNESCO văn hóa – dòng họ và gia đình Việt Nam: “Tính khả thi của dự án phụ thuộc vào nguồn đầu tư kinh tế. Tôi nghĩ rằng, người tài không thiếu, nếu được làm thì chúng ta thận trọng, tính toán, xây dựng công trình nổi miền văn hóa ký ức.”
Ông ĐÀO NGỌC NGHIÊM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: “Đây không chỉ là công trình văn hóa mà còn có thể đem lại lợi ích kinh tế, đặc biệt là kế thừa các nghiên cứu đã có, rút ra bài học kinh nghiệm từ những thất bại cũ.”
Đánh giá về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên và hầm chống ngập, đại diện UBND thành phố Hà Nội cũng chia sẻ, đây là giải pháp táo bạo, đột phá, song cần bàn kỹ, đảm bảo được sự đồng bộ, giữ được sông Tô Lịch, phát triển lịch sử văn hoá, giải quyết được tình trạng úng ngập.
Thực hiện : Hoàng Tùng Đức Minh